Nội soi niệu quản ống soi mềm là phương pháp kỹ thuật cao mới được áp dụng tại một vài bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Đây là tin vui cho người bệnh tiết niệu với những đáp ứng cao hơn trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Sự xuất hiện của máy nội soi niệu quản thế hệ thứ 2 đã ra đời phương pháp nội soi niệu quản ống soi mềm( f.URS - Flexible Ureteroscopy).
Phương pháp mới này đòi hỏi trang bị máy nội soi niệu quản mềm với kích thước nhỏ cho phép dễ dàng đưa qua niệu đạo, vào bàng quang rồi theo ống niệu quản lên tới bể thận và cuối cùng là có thể uốn cong để vào tới các đài thận giúp việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trong niệu quản và thận (sỏi, khối u, hẹp…).
Bs. Lê Sĩ Trung thực hiện phẫu thuật nội soi niệu quản ống soi mềm.
Phối hợp với nguồn tán sỏi công suất lớn ( Laser Holmium YAG), nội soi niệu quản ống soi mềm cho phép điều trị những sỏi đã thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể, sau nội soi niệu quản cứng nhưng sỏi bị đẩy lên thận, với những sỏi đài dưới kích thước 10-20 mm. Trong nhiều trường hợp, nội soi niệu quản ống soi mềm còn được sử dụng phối hợp để lấy nốt mảnh sỏi còn sót sau nội soi thận qua da hay tán sỏi ngoài cơ thể.
Nội soi niệu quản ống soi mềm còn góp phần trong chẩn đoán tiểu máu chưa rõ nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bảo tồn một số khối u biểu mô tiết niệu, hẹp niệu quản, hẹp phần nối bể thận niệu quản, hẹp cổ đài thận.
Nội soi niệu quản ống soi mềm được làm thế nào?
Trước tiên, người bệnh được đặt ống sonde JJ vào niệu quản bên cần phẫu thuật trước từ 1- 2 tuần để ống niệu quản rộng hơn, giúp nội soi niệu quản mềm thuận lợi hơn. Trong ca nội soi, người bệnh được gây mê toàn thân, đặt ở tư thế phụ khoa. Các phẫu thuật viên sẽ thực hiện rút ống sonde JJ, sau đó đặt ống đỡ niệu quản lên tới bể thận. Ống soi niệu quản mềm sẽ được đưa theo lòng ống đỡ niệu quản vào tới vị trí cần phẫu thuật. Phẫu thuật viên sử dụng laser để tán sỏi, cắt polype hoặc xẻ rộng chỗ hẹp. Phẫu thuật kết thúc bằng việc đặt lại ống sonde JJ (ống này sẽ được rút sau đó 2 tuần ).
Nội soi niệu quản ống mềm
Phẫu thuật thường kéo dài khoảng 1 giờ. Thời gian nằm viện chỉ từ 1-2 ngày. Hậu phẫu nhẹ nhàng, không đau, không có sẹo mổ.
Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
-
Các chẩn đoán hình ảnh ( siêu âm , UIV, CT…) giúp xác định vị trí , kích thước sỏi và đặc biệt là tình trạng niệu quản, đài bể thận và nhu mô, chức năng thận.
-
Các xét nghiệm cần thiết cho cuộc mổ, chức năng thận và đặc biệt là có hay không tình trạng nhiễm trùng tiết niệu
-
Khám gây mê trước mổ, lưu ý những bệnh lý kết hợp
Những bất thường sau mổ
Sau phẫu thuật nội soi niệu quản ống soi mềm, có thể có các dấu hiệu bất thường như : Tiểu máu, tiểu buốt, đau nhẹ... Người bệnh không cần quá lo lắng, bởi các dấu hiệu này sẽ hết sau khi rút sonde JJ (khoảng 2 tuần sau phẫu thuật).
Các biến chứng sau mổ
-
Nhiễm trùng tiết niệu có sốt sau mổ thường sảy ra do bùng phát nhiễm khuẩn tiềm tàng do sỏi. Cần được điều trị theo kháng sinh đồ.
-
Phẫu thuật có thể không lấy hết được sỏi, có thể gây tổn thương xước niêm mạc, thủng niệu quản, về lâu dài có thể gây hẹp niệu quản.
-
Nhìn chung, các biến chứng sau mổ của nội soi niệu quản ống soi mềm ít gặp hơn so với nội soi thận qua da và nội soi niệu quản ống soi cứng.
Lưu ý chăm sóc sau mổ
Phẫu thuật nhẹ nhàng, ít đau. Sau mổ , bệnh nhân nên ngồi dậy và đi lại sớm. Uống nhiều nước để tăng lượng nước tiểu từ 2-3 lít/ngày giúp việc hoà loãng và đào thải máu, chất bẩn . Rút ống thông bàng quang 1-2 ngày sau mổ và ra viện : mọi sinh hoạt trở lại bình thường, không cần dùng thuốc sau mổ.
Do vẫn còn ống sonde JJ nằm trong bể thận – niệu quản – bàng quang (sẽ được rút sau 2 tuần) nên có thể có một số biểu hiện bất thường trong khoảng thời gian này như tiểu máu, tiểu buốt, tiểu nhiều lần… thậm trí là đau mối khi đái. Các bất thường này thường không cần điều trị, chúng sẽ hết hoàn toàn sau khi rút sonde JJ.
Bệnh nhân được hẹn khám lại sau 2 tuần với phim chụp để xác định đã hết sỏi và rút sonde JJ
Để tránh sỏi tái phát, người bệnh cần uống thường xuyên khoảng 2 lít nước / ngày giúp việc hoà loãng các chất dễ gây sỏi trong nước tiểu và khám bác sỹ chuyên khoa tiết niệu ít nhất 1 lần/năm.
Các trường hợp chỉ định nội soi niệu quản ống soi mềm
-
Sỏi: Thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể; sau nội soi niệu quản cứng nhưng sỏi bị đẩy lên thận, với những sỏi đài dưới kích thước 10-20 mm. Phối hợp để lấy nốt mảnh sỏi còn sót sau nội soi thận qua da hay tán sỏi ngoài cơ thể.
-
Hẹp: Hẹp niệu quản, hẹp phần nối bể thận niệu quản , hẹp cổ đài thận…
-
Khối u: Chẩn đoán và cắt một số khối u biểu mô niệu quản, bể thận
-
Chẩn đoán tiểu máu không rõ nguyên nhân
Xem video về phương pháp nội soi niệu quản ống soi mềm
Video về phương pháp nội soi niệu quản ống soi mềm.
Bs.Lê Sĩ Trung